Trà xanh là thức uống được rất nhiều người ưa chuộng và phổ biến tại Việt Nam. Có rất nhiều cách pha trà xanh khác nhau từ pha trà xanh tươi, pha trà xanh khô, cách pha trà xanh theo chuẩn trà đạo, …. Tùy theo sở thích từng người sẽ chọn cho mình một cách pha ưng ý. Dưới đây là cách pha trà xanh theo phong cách người sành trà mà chúng tôi đã tổng hợp lại theo quy chuẩn. Mời bạn tham khảo!

Trà xanh là loại trà uống phổ biến ở Việt Nam, nguyên liệu chế biến từ búp và lá chè non, khi sao sấy lá chè được diệt men hoàn toàn.

Quy trình chế biến trà xanh
Quy trình chế biến trà xanh

Sau khi thu hoạch búp chè non thì ta chế biến theo quy trình sau:

1. Rải xuống sàn cho héo nhẹ

2. Xào chín

3. Quạt nguội

4. Chuyển qua vò

5. Sấy khô

6. Nhặt cẫng còn lẫn

7. Lấy hương

8. Phân loại

9. Bảo quản

(Theo ông Trần Văn Thắng, chủ cơ sở Thắng Hường – Thái Nguyên)

Cách pha trà xanh vùng Tân Cương – Thái Nguyên

Trà móc câu Tân Cương Thái Nguyên
Trà móc câu Tân Cương Thái Nguyên

– Chọn trà:

Dùng 5g trà cho 2 người. Bình quân dùng 2g trà cho 1 người và một phần dành cho ấm.

– Chọn nước:

Sử dụng nước tinh khiết đun sôi. Dùng nước sôi 80°C để pha trà.

– Chọn ấm chén:

Dùng ấm có dung tích 120ml tới 150ml cho 2 hay 3 người. Chọn ấm đất – ấm Tử Sa để pha trà được ngon hơn, ấm sẽ giúp giữ được hương và vị trà. Pha trà trong ly hay bình thủy tinh sẽ xem được cánh trà nở rất thú vị. Chọn chén nhỏ (chén hạt mít) bằng đất hoặc sứ để uống.

– Cách pha:

Pha nhanh – không ngâm trà

1. Tráng ấm và chén bằng nước sôi 100°C.

2. Cho trà vào ấm, đổ nước sôi 80°C ngập trà và rót bỏ nước rửa trà ngay.

3. Nước đầu cho nước sôi 80°C vào ngập tràn ấm. Nhanh tay rót hết trà ra chén để dùng. Chén trà đầu tiên sẽ có hương thơm đặc sắc.

4. Tiếp theo nước thứ hai và ba cũng làm như vậy. Nước thứ tư hương trà sẽ vơi dần.

Lưu ý: Không ngâm trà trong nước sôi quá lâu và rót hết nước trong ấm cho 2 lần pha. Tùy theo gu của người uống thích đậm hay nhạt mà các lần pha có thể kéo dài thời gian ngâm trà khác nhau.

Kỹ thuật pha trà xanh bằng ly thủy tinh

Chọn ly thủy tinh hình ống, trong suốt, không hoa văn.

Chuẩn bị: Mỗi người một ly thủy tinh, 2g trà xanh và 100ml nước sôi khoảng 80 – 85°C

Đầu tiên cho 25ml nước sôi vào ly thủy tinh, sau cho 2g trà xanh vào, đợi một chút cho hương trà thoát ra, tiếp tục đổ thêm 75ml nước sôi.

Ban đầu các búp trà từ từ nở ra, tiếp tục đổ nước lần hai, các lá trà chuyển động từ từ rơi xuống đáy ly như “đang múa”. Lúc này ta sẽ nhận được hương thơm lan tỏa trước khi nếm vị thanh ngọt của trà.

Cách pha trà này chỉ nên dùng một lần. Hương vị trà sẽ giảm nhiều khi pha lần thứ hai.

Kỹ thuật rót nước sôi từ bình (âm) vào ly thủy tinh phải thận trọng, để miệng bình nước sôi gần sát miệng ly thủy tinh, vừa đổ nước vừa kéo (nhạc) bình lên xa miệng ly, làm đi làm lại ba lần và vừa đủ lượng nước trong ly. Người Trung Quốc lấy tích “Phượng Hoàng Nam điểm đầu” để miêu tả cách rót nước này.

Đánh giá chất lượng

Phẩm chất của trà xanh Tân Cương được đánh giá theo tiêu chuẩn ba xanh: búp trà khô có màu xanh ánh thép, búp trà sau khi pha có màu xanh như lá chè tươi mới hái về và nước trà xanh trong bắt mắt.

Búp trà khô càng nhỏ, càng xoăn có lớp tuyết trắng thì chất lượng càng tốt. Hương thơm thoảng mùi cốm tinh khiết và khi pha bền hương. Xác trà sau khi pha nở nguyên hình búp trà nhỏ, đều nhau và không bị nát.

Thưởng thức trà xanh Tân Cương nên dùng chén nhỏ. Trước thưởng thức hương thơm man mát như cốm đầu mùa trong chén trà đầu tiên, sau nhấp từng ngụm nhỏ để nước trà lan tỏa trong miệng. Vị trà không đắng, không chát mà dư vị ngọt dịu đọng mãi trong miệng. Trà chất lượng tốt pha được 5 – 6 lần mà nước vẫn thơm ngon.

Cách pha trà xanh dòng trà xanh shan tuyết cổ thụ

Chọn được nước nguồn từ trên núi dẫn về để pha trà xanh shan tuyết cổ thụ là tuyệt nhất. Tôi đã nhiều lần được dùng trà xanh shan tuyết – Suối Giàng pha bởi nước dẫn về từ trên núi ở bản Giàng A thì đều thấy sự trong lành ở chén trà. Nước trà phớt ánh xanh, trong và sáng, thơm hương nếp chín buổi bình minh. Nhiều người Hà Nội “sành uống” khi đặt mua trà trên Suối Giàng đều đặt kèm theo bình nước ở đây.

Cách pha trà xanh shan tuyết cổ thụ
Cách pha trà xanh shan tuyết cổ thụ

Đánh giá chất lượng

Dòng trà xanh cổ thụ có chứa rất nhiều nội chất, búp trà shan tuyết đẹp, trên mặt có một lớp lông bám trắng như tuyết. Cây chè càng lâu năm thì búp trà càng to, càng dầy và càng pha được nhiều lần.

Hương trà thơm mùi nếp chín trên nương. Màu nước trà trắng trong sóng sánh rất quyến rũ. Vị trà đậm ngọt mà thấy tê đầu lưỡi. Xác trà có màu xanh non, búp trà căng no nước tươi rói.

Trà cổ thụ có chất lượng tốt pha đến nước thứ bảy, thứ tám vẫn còn ngon mà hương và vị vẫn quyện với nhau.

Phẩm chất thượng hạng của dòng trà xanh shan tuyết cổ thụ phải kể đến là bạch trà. Bạch trà được tuyển chọn từ những búp trà non to khỏe, có lớp lông trắng phủ đầy bên ngoài búp trà. Quy trình làm trà này cũng cầu kỳ, hiện ít người Việt nắm được bí quyết làm bạch trà cho chất lượng tốt. Cách pha bạch trà cũng như pha trà xanh shan tuyết nhưng chén nước trà có màu nước trong, sóng sánh và vị trà đậm đà sâu lắng. Nhiều người lần đầu nhìn nước trà pha ra tưởng trà chưa ngấm nhưng khi uống vào mới thấy được rõ phẩm chất quý giá của bạch trà.

Bạch trà shan tuyết cổ thụ
Bạch trà shan tuyết cổ thụ

Khi chọn trà, cần phân biệt trà shan tuyết trồng và trà shan tuyết cổ thụ mọc thành rừng tự nhiên. Chè shan tuyết mới trồng cùng là giống cây chè cổ thụ nhưng nội chất kém hẳn so với cây chè cổ thụ. Loại trà này pha đến nước thứ ba đã hết vị, lá trà mỏng và gãy.

Trích nguồn: Thưởng trà thật đẹp, thật vui – Nguyễn Ngọc Tuấn