Văn Hóa Trà Thời Nhà Thanh (1644 – 1911)

   Sự thực đến thời nhà Tống thì trà đã toàn chỉnh, kết thành một nghệ thuật uống trà cổ điển (tôi dùng từ cổ điển theo nghĩa chữ “classic”: Đạt đến trình độ siêu tuyệt, làm kiểu mẫu, quy phạm cho đời sau). Đến thời nhà Minh thì chỉnh đốn lại một số Trà Cụ. Nhà Mãn Thanh là một dân tộc ngoại lai, cai trị Hán Tộc. Tuy nhiên, chính họ cũng đã chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc một cách sâu đậm và sau khi chinh phục được Trung Quốc thì chính họ lại bị đồng hóa. Thành ra nghệ thuật uống trà, sản xuất trà không có gì khác lạ.

   Triều đình Mãn Thanh và dân chính gốc của họ từ lâu đã biết uống trà và nhập cảng trà từ Trung Quốc. Họ là dân du mục, vì vậy từ lâu họ đã uống trà cho thêm sữa. Nay làm vua Trung Quốc, họ không khiến được người Trung Hoa uống trà bỏ sữa vào mà vô tình thói quen lại được truyền qua Anh Quốc do một số nhà ngoại giao và thương nhân người Anh từng được các giai cấp quý tộc Mãn Thanh giới thiệu món uống trà… sữa. Người Anh có tục uống trà sữa là do nguyên ủy này.

Xem thêm: Đỉnh cao văn hóa nghệ thuật trà Trung Quốc

   Vua Càn Long là một ông vua khôn ngoan nhất và trọng văn hóa nhất của triều đại kéo dài hơn 250 năm. Dưới triều đại của ông, ông đã dẹp yên tất cả mọi tổ chức chống đối “phản Thanh phục Minh” (được bình dân hóa và tiểu thuyết hóa bằng các truyền kỳ đại loại “Càn Long hạ Giang Nam”, “Hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự”…). Một trong những hạ thủ công phu cao cường của ông là công tác khuyến khích dân chúng và quan lại địa phương thờ cúng Quan Vân Trường, tức Quan Công thời Tam Quốc.

   Khi đại đa số dân Trung Quốc đã thờ Quan Công thì phong trào “phản Thanh” cũng tan. Nhà Nguyễn ở Việt Nam cũng nhập cảng được bộ luật nhà Thanh (sửa lại chút ít gọi là luật Gia Long) và tục thờ Quan Công (mà không hiểu ẩn ý thâm sâu của Càn Long) vì chỉ nghĩ để cho dân bắt chước mà “trung” với mình.

Chỉ đến thời nay, trà nhân và trà tượng Trung Quốc mới chế ra những loại ấm nhỏ chén nhỏ, ta quen gọi là “ấm quả quít, chén hạt mít”… Quả thật, Trung Quốc không dùng chén “tống” như của ta? Tại sao ta dùng mà người Trung Hoa không dùng? Tại sao phải dùng chén tống? Các câu hỏi sẽ được trả lời trong chương viết về “Trà Cụ qua các thời đại”.

Trích nguồn: Trà Kinh – Vũ Thế Ngọc