Đến với môn Trà Đạo hoặc những môn nghệ thuật có ảnh hưởng Thiền tại Nhật như Thư Đạo, Kiếm Đạo, Cung Đạo.., bỏ qua những ích lợi vòng ngoài như thoả mãn thẩm mỹ, người ta dễ dàng nhận ra cái mục đích của những môn này đều nhằm vào việc tu tâm dưỡng tính, hướng đến cuối cùng không chỉ dường đó mà đòi hỏi các môn sinh dùng toàn tâm toàn lực để đạt đến chân lý thâm cùng. Do vậy ở môn Trà đạo các trà nhân không chỉ đến trà thất để thưởng thức vị thơm ngon của trà, để được an nhàn yên tĩnh, mà cần phải tĩnh giác cao độ để tiến xa hơn hầu vượt qua ngưỡng cửa “Vô tâm” mới phát huy đại sự.

Tâm yên bình là nền tảng của tĩnh giác, tĩnh giác để quán chiếu, quán chiếu sâu xa để “nghe” cái “tánh nghe”, để “thấy” cái “tánh thấy”, để “nếm” cho ra cái mùi vị bất sanh bất diệt cúa “tánh nếm” ấy ra sao! Có lẽ không gì quan trọng hơn ý chí cao với một tinh thần kiên định.

Nói về tinh thần kiên định, chúng tôi kể ra đây một mẩu chuyện như sau: Trong một lần đến Nhật Bản, ông E.Herrigel, một giáo sư triết học người Đức, đã tranh thủ đến Tokyo để cùng họp mặt với một số đồng nghiệp người Nhật. Họ cùng ngồi uống trà trong một nhà hàng ở tầng thứ năm của một khách sạn. Trong lúc mọi người đang trò chuyện bên chén trà, bỗng dưng có nhiều tiếng động ầm ầm vọng đến. Âm thanh vang động lớn dần kéo theo sự rung chuyển và đổ vỡ những đồ vật trong phòng trà đã làm nhiều người hốt hoảng. Trong hoảng loạn khôn cùng họ chạy túa ra hành lang, người nào cũng nhanh chân tìm đường xuống cầu thang để kiếm chỗ tránh nạn. Thì ra một cơn động đất!

Cũng giống như tâm trạng của nhiều người châu Âu mới đến Nhật, ông Herrigel cũng chực lao ra cửa. Thế nhưng trong khoảnh khắc, ông chợt nhớ đến người bạn lúc nãy đã cùng ông trò chuyện, ông bèn quay lại bàn trà và hối thúc người này mau chạy đi. Thế nhưng điều làm cho ông Herrigel bất ngờ hơn khi chứng kiến người bạn của mình vẫn cứ ngồi yên, mà thật kỳ lạ, người bạn Nhật này ngồi lặng lề với một tâm trạng rất thanh thản. Hai tay người này chắp vào nhau, mắt hơi nhắm, tư thế yên tĩnh lạ thường giống như chẳng can hệ gì với thế giới chung quanh.

Từ bất ngờ đến ngạc nhiên, cảnh tượng rất lạ này đã thu hút ông Herrigel mãnh liệt, đến nỗi ông cũng hoàn toàn không bận tâm gì đến cơn động đất. Sau vài giây đứng ngây ra nhìn, ông Herrigel đã tự ngồi xuống bên cạnh người bạn Nhật. Khi cơn động đất qua đi, người bạn Nhật lại tiếp tục câu chuyện với ông Herrigel đúng vào chỗ đang trao đổi dang dở lúc nãy. Đặc biệt người Nhật này thản nhiên, không hề nhắc đến biến cố vừa xảy ra, dù chỉ một lời trấn an hay lý giải.

Riêng ông Herrigel, khi nỗi khiếp sợ lo lắng qua đi, ông mới hoàn hồn và chợt nhận ra cái định lực rất lớn của người bạn đồng nghiệp đã lan tỏa và ảnh hưởng thu hút ông Herrigel một cách tuyệt đối. Vài ngày sau khi biết người bạn Nhật này là một hành giả tu Thiền, cũng là một trà nhân thường xuyên thực hành Trà đạo. Ông Herrigel vô cùng thán phục và ngưỡng mộ pháp môn Thiền. Chính người bạn của Herrigel đã nói : “Nếu đặt mình vào trạng thái tĩnh tâm cao độ, duy trì nó bằng một ý chí thép, thì không có bất cứ điều gì có thể lay chuyển được bạn. Người Nhật chúng tôi gọi ý chí này là Kiên Định”.

Ông Herrigel còn được biết, người bạn của ông rất chuyên cần hành thiền và là một trà nhân gương mẫu cầu tiến ngay từ thời niên thiếu. Chính Trà đạo đã giúp cho người này tập được tính kiên định, nó đã hỗ trợ rất nhiều cho công phu Thiền Sau này của ông.

Về sau ông Herrigel đã đến với nghệ thuật bắn cung, thông qua môn này, để có điều kiện tiếp xúc với thiền. Ông là tác giả của tác phẩm “Con đường Thiền” được viết bằng tiếng Đức. Cuốn sách này cũng đã được Ngô Ánh Tuyết và Vương Long biên dịch lại từ một bản dịch khác, có tên là “Thiên và Võ Đạo”.