Chúng ta đang nói về Trà đạo và đã có cơ may nhấp một ngụm trà Triệu Châu qua câu chuyện “Khiết Trà Khứ”. Nhấp một ngụm trà Triệu Châu, đáng lẽ ra chúng ta mỗi người mỗi ngã, hoặc có lỡ gặp nhau mà “chẳng nhìn thấy nhau” mới là điều đáng quý ! Đằng này chúng tôi vẫn còn loay hoay chạy quanh miệng chén, các bạn hình như cùng mơ hồ. Chung quy lại chúng ta vẫn còn lải nhải và làm rối rắm lẫn nhau. Bởi độn căn, thôi đành chịu vậy, chúng ta đành kết duyên làm trà hữu với nhau và cùng nhau lạm bàn về bốn đức tính cao quý của nghệ thuật Trà đạo.

Trước đây ông Herrigel, một giáo sư Triết người Đức, đã kể về cái duyên ban đầu đến với Thiền của ông cũng lắm bất ngờ, và cũng quanh co lòng vòng như chúng ta bây giờ không kém. Ông Herrigel ngưỡng mộ Thiền thông qua hình ảnh một người tu Thiền ngồi bất động trong cơn động đất đang diễn ra dữ đội. Thán phục cái tâm bất động uy nghi đó, ông Herrigel tìm đến Thiền với quyết tâm mạnh mẽ, mong giải quyết khát khao được nếm hương vị Thiền.

Thế nhưng khi dấn thân vào con đường Thiền Đạo, ông Herrigel đã lưu tâm đến quá nhiều lý luận về Thiền, đến nhiều khía cạnh huyền bí của Thiền. Vê sau ông ta tự biết, sẽ không dễ dàng gì đi sâu vào Thiền, vì Thiền không có lý thuyết, không có giáo điều. Thế rồi, ông Herrigel đã quay sang chọn một số môn nghệ thuật chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiền. Ông Herrigel đã chọn môn bắn cung. Sau này cũng chính nhờ môn nghệ thuật này mà đã có “chỗ gần” với Thiền. Tuy vậy, ông Herrigel vẫn thường hay nói : “Tôi đã nhiều năm chạy lòng vòng”.

Không biết đến thời điểm này, ông Herrigel có còn chạy lòng vòng hay không, việc đó chắc “nóng lạnh” chỉ có ông ta biết. Tuy nhiên, câu chuyện của ông Herrigel và câu chuyện của chúng ta, những người đã nhận lãnh chén trà Triệu Châu mà vẫn không cảm được cái vị trà Triệu Châu quả thật có điểm tương đồng. Chúng ta đành phải chạy lòng vòng quanh miệng chén trà với môn Trà đạo vậy.

Khi đã xem Trà đạo là một phương tiện để tu tập Thiền, chúng ta cần nên biết qua bốn đức tính cao quý của Trà đạo. Đó là : “Hòa, Kính, Thanh, Tịch. Bốn đức tính này được xem là tinh thần mấu chốt của nghệ thuật Trà đạo.

+ Hòa: Hòa trong Trà đạo có nghĩa là “hòa đồng“, “hòa điệu”, “hòa nhã”. Khi có đức tính Hòa, con người rất dễ phát tâm từ, trải tâm thương yêu loài người và muôn vật. Khi đức tính Hòa nảy nở rộng khắp, nó sẽ vượt qua đối đãi, vượt qua tâm phân biệt “trí – ngu”, “cao – thấp”. Đây chính là chủng tử của Bình Đẳng Tánh Trí. Hòa là cơ sở tất yếu để đạt đến “Vô ngã” chứng được “Chân ngã”.

Ngày xưa, khi Thiền Sư Đạo Nguyên từ Trung Quốc trở về Nhật Bản. Có người hỏi ngài : “Từ Trung Quốc ông được cái gì mang về ?. Đạo Nguyên đáp : “Tôi trở về hai tay không. Chỉ học được chừng mực nào đó về chữ Hòa”. Đi tâm đạo phương xa, trở về chỉ học được “chừng mực nào đó” của chữ Hòa. Quả thật là chân thật. Cái chừng mực nào đó của chữ Hoà cũng chính là cái tâm An Hòa của Thiền sư Đạo Nguyên. Cũng thật là khiêm tốn, khi các Thiền sư chỉ nhận rằng mình học được chữ Hòa trong một chừng mực nào đó, chứ không ai dám cho rằng mình đã “Hòa trọn vẹn”. Ngoài đức Phật ra, thì khó ai có thể Hòa trọn vẹn. Một chữ Hòa trong đạo Phật lớn lao vô cùng, ích lợi vô cùng, phổ độ
vô cùng.

Đến với nghệ thuật Trà đạo, chúng ta cần nên thể hiện sự hòa nhã lễ độ, trong buổi uống trà chúng ta nên cùng nhau hòa điệu để chia sẻ cảm thông nhau, đối với cảnh vật xung quanh chúng ta nên hòa đồng, để phát triển lòng từ bi bình đẳng và khai mở trí tuệ.

+ Kính: “Kính” trong Trà đạo có nghĩa là “cung kính”, “thành kính”, “ lễ kính”. Khi có đức tính “Kính”, con người sẽ trở nên thuần lành, trong nhà kính cha mẹ, anh chị, ra ngoài “kính lão đắc thọ”. Khi có duyên với Thiền, với Đạo, con người sẽ phát tâm lễ kính Chư Phật, thành kính với Pháp, và cung kính Chư Tăng. Một chữ kính hướng về Tam Bảo với lòng tha thiết quy y, sẽ giúp cho việc tu tập Thiền của chúng ta nhanh chóng phá vỡ tà kiến, buông bỏ định kiến, sẽ làm cho thái độ của mỗi chúng ta nhanh chóng thay đổi từ cầu thả bất cần sang cẩn trọng, oai nghị, từ tốn…

Đức tính “Kính” trong Trà đạo thể hiện qua hành vi kính quý, kính trọng, nó thay cho lời nói biết ơn sâu sắc của con người đối với con người, cũng như đối với vạn vật. Nó làm cho con người biết nhún nhường nhau, từ đó nết hạnh khiêm cung sẽ nảy nở trong lòng mọi người. Kính là oai nghi của “Tâm” và “Thân”, là cội nguồn của phước đức trí tuệ.

Ngài Đích Thủy Nghi Mục – TeKiSui Giboku (1822 – 1899) là một Thiền Sư nổi tiếng ở Nhật Bản, được xem là bậc thầy về tính nghiêm khắc trong việc dạy dỗ đệ tử. Ông thường hay la mắng đánh đập học Tăng, nên có rất nhiều người không chịu nổi ông đã bỏ chùa ra đi. Duy chỉ có một mình ngài Nga Sơn (Gasan) là chịu nổi. Nga Sơn rất tha thiết với việc lớn sanh tử, dù bị đánh đập rất nhiều, nhưng ông vẫn một lòng một dạ hầu hạ thầy mình, không một lời than trách. Về sau Nga Sơn ngộ đạo, ông thường nói với mọi người : “Một người đệ tử khá, phải biết tôn quý kính trọng sự
giáo dục, ân cần của Thầy mình. Một đệ tử giỏi, đứng trước kỷ luật nghiêm khắc của Thầy, thì phải càng gia tâm cung kính đức hạnh của Thầy mình nhiều hơn nữa…”

+ Thanh: “Thanh” trong Trà đạo được hiểu là “trong sạch”, nó ngược lại với ý của từ “Trược” là dơ uế, hôi thối. Một ly nước cáu bẩn nhiều, để lâu ngày nó sẽ trong sạch. Điều này cũng giống như những trà nhân, nếu lắng tâm yên tĩnh nhiều ngày, tâm sẽ thanh tịnh. Người tu Thiền thường sống với đức tính “Thanh”, thường gặp nhiều điều an ổn, tâm hôn sẽ trở nên trong sáng, mát mẻ. Tâm hồn thanh tịnh sẽ rất cẩn thiết cho việc tu Thiền, nó là động cơ để phát khởi đức tính “Kính” và “Hòa”.

+ Tịch: “Tịch” có nghĩa là vắng lặng, nói đúng hơn là “Tĩnh lặng” Trong Phật giáo, chữ “Tịch” là Niết Bàn, Phạn ngữ gọi là “dập tắt”. Do đó nếu nói Tịch là “tĩnh lặng” sẽ không hợp với nghĩa Tịch là Niết Bàn trong Phật Giáo.

Tuy nhiên, trong nghệ thuật Trà đạo, “Tịch” được hiểu là “tĩnh lặng” sẽ gắn với hướng phát triển đường lối tu Thiền hơn. Sau “nhẫn nại”, tĩnh lặng là nấc thang đầu tiên mà tâm hành giả phải đạt đến, mới mong tiến sâu vào công phu tu tập. Trong Trà đạo, cần phải “tĩnh lặng” mới có thể chiêm nghiệm được bản thân.

Chính sự Tĩnh Lặng, mới khiến tâm trong sạch (Thanh), có trong sạch mới nhận ra tương quan giữa con người với thế giới xung quanh một cách trí tuệ nhất. Từ đó phát tâm lễ kính chư Phật, thành kính với Pháp, cung kính chư Tăng.

Có quy y lễ kính Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng trong Phật giáo), con người sẽ dễ dàng tiến sâu vào Thiền đạo, mới phát tâm yêu thương loài người và vạn vật, mới vượt qua đối đãi, thị phi, cao thấp. Đây là trình tự tâm linh mà các hành giả tu Thiền phải đi qua. Đó là Tịch rồi đến Thanh, đến Kính đến Hòa.

Trích nguồn: Trà Đạo – Nguyễn Bá Hoàn