Chúng tôi không phải là những trà nhân thuần túy. Không gian buổi uống trà hôm ấy cũng chưa thật sự là một trà thất đúng nghĩa. Thế nhưng ngay sau buổi uống trà, tinh thần Trà đạo đã chiếm ngự trong tôi.

Mỗi ngày vào lúc 6 giờ chiều, trà quán mới mở cửa đón khách. Hôm đó là lần đầu tiên chúng tôi đến một trà quán mà cảnh và người tại đây đều rất “Nhật”. Sau khi chọn trà xong, phải đợi một hồi lâu, các trà cụ mới được mang đến đặt lên bàn, rồi phải đợi rất lâu nữa, nước trong nồi đun mới bắt sủi bọt mắt cua, tưởng khi nước sôi sẽ được uống trà ngay, ai dè còn phải chờ tráng ấm chén, rồi phải đợi hãm trà. Khi đó, nhà thơ Phạm Thiên Thư, sau hai lần đổi tư thế ngồi đã không kìm được cơn khát nước, nên rất “hồn nhiên” gọi nhân viên phục vụ cho xin một ly nước lạnh!

Thật ra không riêng gì anh Phạm Thiên Thư, mà trước đó cả ba chúng tôi, do tán ngẫu tào lao đủ chuyện “trên trời dưới đất” nên đều khát cháy cả cổ. Thâm tâm ai cũng muốn hớp ngay một ngụm nước trà cho đã khát. Hoặc như anh Bích Nhãn Hỗ đã thốt lên : “Phải chỉ lúc này mà có một ly trà đá thì đã biết mấy”.

Nghe đề nghị của nhà thơ Phạm Thiên Thư, cô gái trẻ đang phục vụ bàn trà cũng lễ phép gật đầu vui vẻ, rồi mang đến một ly nước lạnh trông rất thuần khiết và hấp dẫn làm sao. Sau khi đặt ly nước lên bàn, cô gái nhỏ nhẹ nói: “Trà đạo sẽ giúp cho người mới dự trà thất tập tính kiên nhẫn”. Nói xong, cô bắt đâu các công đoạn pha trà, hãm trà xong được chế vào bình chuyên, cuối cùng trà cũng được rót vào mỗi chén.

Nghe cô gái gợi ý về một đặc tính của Trà đạo, chúng tôi đều gật đầu đồng ý và cùng cười vui vẻ. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đều có sự “nhìn lại”, và cảm thấy, hơn bao giờ hết, những thói quen nôn nóng, vội vàng, lụp chụp của chúng tôi đã lộ ra rất rõ trong cái không gian tương đối yên tĩnh của phòng trà. Nhất là khi phải đối mặt với sự tĩnh lặng, thì những máy động trong tâm thức con người càng dấy khởi nhiều hơn, càng hiện lên rõ hơn.

Trong buổi uống trà hôm ấy, ngoài việc đang khát nước mà phải đợi chờ một cách máy móc như vậy quả là rất ư là hình thức, gắng gượng. Cái cảm giác khó chịu thứ hai mà cả ba anh em “Trà tạp” chúng tôi đã trải qua, đó là việc phải ngồi xếp bằng trên một cái tọa cụ với thời gian rất lâu, mà trước khi vào trà quán chừng vài phút, tình trạng tâm thức chúng tôi rất lăng xăng. Vả lại, ngồi lâu trong một không gian khá yên tĩnh như vậy, với một tư thế ngồi khác thường như vậy, dù không ai bảo ai, nhưng chúng tôi đều cùng có chung một suy nghĩ rằng, thói quen buông lung, tự do phóng túng, quá lăng xăng trong đời sống thường ngày như vậy, ắt sẽ khó mà cảm nhận trọn vẹn “cái hương, cái vị” của trà.

Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ vào một buổi chiều, tại một bàn trà có không gian yên tĩnh, ý thức tự giác và tự nguyện thể hiện cung cách lịch sự, văn hóa tại buổi uống trà, chứ chẳng ai bắt chúng tôi ngồi xếp bằng, hay nhất thiết phải đợi pha loại trà đó xong mới uống. mà chúng tôi đã sớm có cảm giác là mình bị “mất tự do”. Những giây phút “mất tự do” này, không phải do ai câu thúc kiềm kẹp, mà do chính những thói quen buông lung phóng túng nơi mỗi người tự nó gây ra.

Suy nghĩ miên man, càng về cuối buổi trà, cái cảm giác khó chịu cũng tan theo hương trà phả vào khoảng không vô tận, nó đã nhường chỗ cho Sự suy tư trăn trở của một phận người trong một kiếp người.

Thực tế, chúng tôi đã trải qua những giây phút không được thoải mái. Cứ cho là cách uống trà khuôn sáo và tư thế ngồi gò bó kia, đã gây cảm giác khó chịu thật sự cho những người mới đến với Trà đạo đi ! Song, tự ngẫm lại, một chút khó chịu nhỏ nhoi còn không kham nhẫn, những cái khó khăn hơn, những điều bức bách nguy hiểm hơn, ví
như con người ta khi gặp cảnh khổ dau hoạn nạn, khi phải đối mặt với đớn đau bức ngặt trong việc sanh, việc tử thì làm sao có thể vượt qua ?

Chính suy tư này, đã giúp chúng tôi học cách nhẵn nại. Chén trà đã đưa chúng tôi đến với Trà đạo ý nghĩa hơn.