CHẶNG ĐƯỜNG CỦA NGHỆ THUẬT

BIỂU DIỄN ÂM NHẠC GIAO HƯỞNG

                                                           Ngô Hoàng Linh*

Lịch sử Tân nhạc Việt Nam chỉ bắt đầu từ khi thực dân Pháp thiết lập sự thống trị trên đất nước ta vào đầu thế kỷ XX. Hình thức hoà tấu dàn nhạc đầu tiên thuộc về Dàn nhạc kèn (orchestre d’harmonie) thành lập ngày 11-11-1918 do ông Bùi Thanh Vân sáng lập, trực thuộc nhà binh Toà Khâm sứ Trung kỳ ở Huế và ông Traineau người Pháp làm nhạc trưởng.

Vào năm 1919 một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp khác của vua Khải Định cũng được thành lập (Musique de la Garde Impériale) với mục đích đối ngoại, do Trần Văn Liên phụ trách và chỉ huy dàn nhạc.

Năm 1924, tại Hà Nội một đội nhạc lính khố xanh trực thuộc Toà Thống sứ Bắc kỳ được thành lập do Cardière rồi đến Camille Parmentier chỉ huy. Sau ngày Nhật hất cẳng Pháp (9-3-1945), Parmentier rời Hà Nội về Pháp, anh em trong đội bầu Đinh Ngọc Liên lên thay. Sau Cách mạng tháng Tám, đội nhạc này trở thành Đội nhạc Vệ quốc đoàn, đã đóng góp nhiều hoạt động biểu diễn âm nhạc trong những ngày đầu cách mạng như hoà nhạc mừng Quốc khánh 2/9 và trong nhiều cuộc mít tinh. Dàn nhạc đã hoà tấu bài Tiến quân ca tại vườn hoa Ba Đình trong ngày Tuyên ngôn độc lập. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp dàn nhạc trở thành một tiểu đoàn quân nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, chuẩn bị đón ngày Trung ương Đảng và Chính phủ cùng Hồ Chủ tịch về Thủ đô (11-1955).

Để thúc đẩy việc sáng tác những tác phẩm mang đề tài lịch sử có tầm vóc của đất nước, đồng thời có thể trình diễn và giới thiệu với công chúng trong nước những tinh hoa âm nhạc của nhân loại như Mozart, Beethoven, Tchaikovsky… và những vở nhạc kịch, vũ kịch nổi tiếng thế giới như: Evgheni Oneghin, Hồ thiên nga, Núi rừng lên tiếng… Bộ Văn hóa quyết định thành lập dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam với sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài vào ngày 6-8-1959. Một số văn nghệ sĩ cho rằng chúng ta chưa đủ sức xây dựng một dàn nhạc quy mô như thế. Ngược lại nhiều ý kiến cho rằng phải tập trung ngay những diễn viên ưu tú của toàn miền Bắc để thành lập dàn nhạc giao hưởng. Thực tế thì ở miền Bắc lúc này có nhiều nghệ sĩ biểu diễn lâu năm, bên cạnh đó không ít nghệ sĩ tuy tuổi đời còn trẻ nhưng có nhiều hứa hẹn. Ngoài ra trong thời gian 5 năm hoà bình, đã mở nhiều lớp bồi dưỡng âm nhạc nâng cao nghiệp vụ cho một số nhạc công xuất sắc, và đặc biệt là trường Âm nhạc Việt Nam có khoá tốt nghiệp 3 năm đầu tiên, đào tạo được một lớp nhạc công mới đầy triển vọng. Bản thân dàn nhạc Giao hưởng cũng tranh thủ mở lớp đào tạo ngắn hạn tại chỗ 2 năm để bổ sung lực lượng diễn viên cho dàn nhạc.

Như vậy, trên cơ sở Đội nhạc Nhân dân Trung ương (Dàn nhạc kèn hơi Trung Bộ cũ), Bộ Văn hóa đã cho tập hợp một số diễn viên của Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, sáp nhập Đội nhạc Xưởng phim truyện Việt Nam, cùng với số học sinh tốt nghiệp trung cấp của Trường Âm nhạc Việt Nam và tuyển dụng một số thành viên hoạt động âm nhạc tự do ở các thành phố để thành lập dàn nhạc Giao hưởng.

Theo lời mời của Nhà nước ta, Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã cử giáo sư Thôi Long Lân, nhà chỉ huy sang giúp ta xây dựng dàn nhạc. Một dàn nhạc với 114 người với trình độ chuyên môn, tuổi đời, tuổi nghề chênh lệch, nhưng dưới sự dẫn dắt của ông Thôi Long Lân cùng sự phụ tá đắc lực của các nhạc trưởng Việt Nam như Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Hữu Hiệp, Vũ Lương, anh chị em nghệ sĩ diễn viên với lòng say mê nghệ thuật, tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và tinh thần cần cù học tập cầu tiến, những khó khăn trở lực ban đầu được khắc phục, đã hoàn thành được kế hoạch dàn dựng tiết mục đề ra, trong khi vẫn tiến hành song song các chương trình biểu diễn phục vụ và thu thanh những phần âm nhạc viết cho kịch, cho phim.

Để đẩy mạnh thêm một bước phong trào âm nhạc của đất nước, năm 1964 Bộ Văn hóa quyết định thành lập thêm một đơn vị nghệ thuật mới quy mô lớn hơn, đó là Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc – Vũ – Kịch Việt Nam.

Như vậy là sau nhạc kịch Evgéni Onéguine của Tchaikovsky – thử thách đầu tiên về loại hình nghệ thuật tổng hợp cao cấp – dàn nhạc Giao hưởng đã tiếp tục trưởng thành trong vở nhạc kịch mang tính hoành tráng của Triều Tiên: Núi rừng hãy lên tiếng. Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 2-9-1965, 20 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, 35 năm ngày thành lập Đảng và mừng thọ Hồ Chủ tịch 75 tuổi, dàn nhạc cùng với dàn hợp xướng của Nhà hát, trình diễn vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ngày 20-7-1969 trình diễn vở kịch múa Phá lao của Trần Quý và Đỗ Dũng, kịch bản của Nguyễn Việt. Ngoài ra còn thực hiện nhiều cuộc hoà nhạc giao hưởng tại Nhà hát lớn Hà Nội trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin (1870-1970), và buổi hoà nhạc giới thiệu bản giao hưởng số 1 Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Việt. Trong khói lửa chiến tranh và giữa lúc quân dân miền Nam đánh lớn thắng to, Nhà hát đã trình diễn vở nhạc kịch Krông Pa của nhạc sĩ Nhật Lai tại nhà hát lớn thành phố.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Nhà hát Giao hưởng hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dưới sự chỉ huy của GS.NSND Trọng Bằng tiến hành chuyến lưu diễn phục vụ nhân dân ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh của miền Nam. Âm nhạc giao hưởng đã chinh phục được công chúng các thành thị miền Nam vừa được giải phóng.

Cũng từ sau ngày thống nhất đất nước, trước những làn sóng, những cơn sốt của các loại nhạc pop, rock, các loại nhạc khí điện tử… lan tràn khắp nước, sự hiện diện của âm nhạc giao hưởng ngày càng thưa dần. Có thời gian hầu như chúng ta bỏ quên việc chăm sóc cho hoạt động của dàn nhạc, và đã có lúc tưởng chừng như nó bị mai một. Thế nhưng những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp, bất kể những khó khăn của cuộc sống, bằng tâm huyết, tìm cách tập hợp nhau lại, hồi phục sự sinh tồn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Và những năm 90 của thế kỷ XX âm nhạc giao hưởng dần dần khởi sắc trở lại. Với sự mở cửa giao lưu văn hóa, nhiều nghệ sĩ, nhà chỉ huy dàn nhạc quốc tế đã đến Việt Nam làm việc với dàn nhạc giao hưởng, cộng tác với các nghệ sĩ Việt Nam trong các chương trình biểu diễn hoà nhạc tại Hà Nội và các chương trình biểu diễn xuyên Việt trong nhiều năm. Ngày nay chúng ta có các dàn nhạc: Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam – Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trực thuộc Nhạc viện Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh (hoạt động không thường trực, tập hợp các nhạc công của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh và của Sở Văn hóa Thông tin thành phố).

Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm hoạt động với sự tham gia tích cực xây dựng của các nhà chỉ huy trong nước như Trọng Bằng, Quang Hải, Trần Quý và sau này là Đỗ Dũng. Những năm đầu đã có sự giúp đỡ của chuyên gia Triều Tiên như Thôi Long Lân, Lyhiơng’un, các giáo sư Mariner Goleminov (Bungary), Verner Schoniger (Đức). Rồi từ những năm 90, nhiều nhà chỉ huy nổi tiếng thế giới như Fukumura, Tetsuiji Hona (Nhật Bản), Colin Metters (Anh), Mare Kisscozy (Thuỵ Sĩ)… đã làm việc với dàn nhạc trong nhiều chương trình nâng cao trình độ biểu diễn. Hiện nay dàn nhạc đã có những thành công đáng kể trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam, hội tụ được nhiều nghệ sĩ được đào tạo chính quy chuyên nghiệp, có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có những người được tu nghiệp ở những nhạc viện nổi tiếng thế giới… Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam là một dàn nhạc chuyên nghiệp có chương trình hoạt động biểu diễn hàng năm với chất lượng nghệ thuật ngày càng cao, thu hút được đông đảo khán, thính giả trong và ngoài nước. Tháng 9/2000, dàn nhạc đã được mời sang biểu diễn tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Nam Ninh (Trung Quốc) nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong thời gian lưu diễn, dàn nhạc đã thực hiện một chương trình giao hưởng có tầm vóc, gây bất ngờ lớn đối với khán thính giả nước bạn, được dư luận đánh giá cao.

Nhớ lại sau thời kỳ thăng trầm của những năm 80, vào trung tuần tháng 11-1992, công chúng ở các thành phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã được thưởng thức một chương trình thuần tuý nhạc giao hưởng, chững chạc, nghiêm túc và đầy hào hứng của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam với ouverture trích trừ opéra Rusland và Ludmilla của Glinka, Concerto giọng Mi thứ cho violon và dàn nhạc của Mendelssohn, Giao hưởng số 5 và Biến tấu trên chủ đề Rococo của Tchaikovsky. Tất nhiên thính giả cũng còn có người chưa thật thoả mãn, muốn đòi hỏi độ vang hơn nữa về một tác phẩm này hay tác phẩm khác. Mong muốn như vậy cũng là chính đáng, tuy nhiên, trong một buổi hoà nhạc, có tiết mục này trội hơn tiết mục khác, hoặc tác phẩm này nghe thích và hay hơn tác phẩm nọ là chuyện bình thường và tất yếu. Nhưng điều quan trọng là trong hoàn cảnh hiện nay mà ta có được một tập thể chuyên nghiệp đủ trình độ để biểu diễn những tác phẩm kinh điển lớn như vậy, thật là điều đáng mừng. Nhìn lên sân khấu, ta thấy các nghệ sĩ biểu diễn tuổi đời ở vào các thế hệ khác nhau, nhưng đa số là trẻ. Thật xúc động khi thấy những con người, những đồng nghiệp, những gương mặt đang tập trung căng thẳng để diễn đạt những dòng nhạc vừa cụ thể vừa súc tích, vừa kỳ ảo mênh mông vừa đòi hỏi những kỹ thuật tinh xảo cùng với sự rung động mãnh liệt về nội tâm. Những con người này thật đáng trân trọng, đặc biệt là nhà chỉ huy Nhật Bản Yoshikazu Fukumura, người đã đem nhiệt huyết nghề nghiệp, bỏ công sức và vận động tài trợ chuyến đi Vòng quanh đất nước. Ông nhận xét: Tôi vô cùng thích thú vì Hà Nội có một dàn nhạc giao hưởng toàn là người Việt Nam. Đây là một dàn nhạc có trình độ cao, các nghệ sĩ được đào tạo chính quy và cơ bản như thế này thì Việt Nam đã có một tài sản đáng giá ngàn vàng. Nếu được tạo điều kiện tốt hơn thì họ sẽ trở thành một trong những dàn nhạc số một của châu á.

Sau chuyến đi này, nhạc trưởng Fukumura còn làm việc với Dàn nhạc một số lần với chương trình hoà nhạc Bầu trời xanh biểu diễn xuyên Việt rất có hiệu quả. Ông thực sự có công trong việc vực dậy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam qua thời kỳ khó khăn. Qua đó ta càng thấy sự quan trọng của người chỉ huy đối với một dàn nhạc giao hưởng.

Hiện nay Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, những nhà chỉ huy lớp trước như Trọng Bằng, Quang Hải, Trần Quý… nay đã có tuổi, lớp người kế cận thì lại quá thiếu, đó là một điều đáng lo. Hiện nay, ngoài Nguyễn Thiếu Hoa có lẽ không có ai trong lớp trẻ đảm nhiệm được nhiệm vụ của nhà chỉ huy dàn nhạc đáp ứng được các yêu cầu của vị trí công tác này. Muốn cho sự nghiệp biểu diễn âm nhạc giao hưởng ngày càng phát triển, là một điểm sáng văn hóa trong khu vực và có thể tiến lên hội nhập với thế giới, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của âm nhạc. Đó là:

– Trang bị nhạc cụ tốt cho dàn nhạc, đặc biệt là về kèn hơi. Nói chung, so với đàn dây, âm hưởng của dàn kèn, kể cả kèn gỗ và kèn đồng của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam thường ít tạo được sự thoả mãn đối với người nghe. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có lẽ quan trọng là chất lượng của nhạc cụ. Nếu chúng ta có những cây kèn tương đối đủ tiêu chuẩn thì chí ít cũng tạo nên hứng khởi khi nghe dàn kèn diễn tấu.

– Về các nghệ sĩ đàn dây của Dàn nhạc đặc biệt là đàn violon, nhiều người đã quá tuổi trung niên, rất cần được tăng cường đội ngũ trẻ, vì đàn violon là thành phần chủ lực của Dàn nhạc Giao hưởng. Nghệ sĩ lâu năm của Dàn nhạc cần luôn tự rèn luyện và có những đợt kiểm tra về trình độ trong thời gian nhất định để đảm bảo chất lượng diễn tấu. Lịch sử dàn nhạc của chúng ta cũng bắt đầu bằng bộ dây mà quan trọng hơn cả chính là đàn violon.

– Một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dàn nhạc là chế độ lương bổng, bồi dưỡng bất hợp lý đối với các nghệ sĩ. Đã có nhiều bài báo, phóng sự truyền thanh, truyền hình đề cập đến vấn đề này, trong đó nêu lên cảnh diễn viên phải làm thêm các nghề phụ để mưu sinh, như vậy thì làm sao có thể nâng cao chất lượng nghề nghiệp. Tiền đầu tư để dựng tác phẩm cũng quá eo hẹp nên không thể có đủ thời gian cần thiết cho sự luyện tập, do vậy hiệu quả không được như mong muốn. Mỗi chương trình biểu diễn đều phải trông cậy vào một nguồn tài trợ hảo tâm của một Mạnh Thường Quân nghệ thuật nào đó mới thực hiện được.

Trong hơn thập kỷ qua, ngoài Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, dư luận ngày càng chú ý đến Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội. Đây là một tập thể nghệ sĩ thực sự trưởng thành bao gồm các giáo sư, giảng viên và sinh viên xuất sắc nhất của Nhạc viện, là kết quả của hơn 40 năm xây dựng và phát triển của dàn nhạc song song với sự nghiệp đào tạo của Trường Âm nhạc Việt Nam trước đây và Nhạc viện Hà Nội ngày nay. Từ những năm tháng đầu tiên, với mục đích khiêm tốn là một môn học hoà tấu dàn nhạc cho toàn thể học sinh các bộ môn thuộc chuyên ngành dàn nhạc giao hưởng của nhà trường, được tiến hành vào thứ bảy hàng tuần tại sân trường ở 32 Nguyễn Thái Học dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Minh Tâm và Đinh Ngọc Liên là những giảng viên cộng tác. Tiếp đến là những năm tháng vượt qua bao khó khăn thử thách của cuộc chiến tranh ác liệt, dàn nhạc vẫn có những chương trình tập luyện và biểu diễn tại hội trường nơi sơ tán ở Hà Bắc. Từ đó đã hình thành nên nền tảng ban đầu cho một dàn nhạc chính quy lớn mạnh cùng với sự trưởng thành và phát triển của Nhạc viện Hà Nội. Từ nhiều năm nay, Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội hoạt động dưới sự hướng dẫn, chỉ huy của giáo sư – nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng. Do những hoạt động ngày càng có hiệu quả, tạo được tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước, với sự giao lưu quốc tế rộng rãi, dàn nhạc đã chính thức đi vào hoạt động theo quyết định của Bộ Văn hóa – Thông tin (9-1997) như một tập thể độc lập trực thuộc Nhạc viện Hà Nội, với sự cộng tác chính của nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa. Trong quá trình hoạt động, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đã dàn dựng và thể hiện, công diễn thành công nhiều tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam như thơ giao hưởng Đồng khởi của Nguyễn Văn Thương, Mẹ Việt Nam của Nguyễn Văn Nam, Concerto violon của Đàm Linh… Trình độ của dàn nhạc không ngừng được nâng cao, với việc mở rộng biểu mục các tác phẩm kinh điển mẫu mực thế giới, từ Mozart, Beethoven, Haydn, Schubert, Brahms, Tchaikovsky cho đến Ravel, Fauré, Bernstein, Xenakis… Công chúng yêu nhạc ở Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước đã có dịp làm quen với nhiều kiệt tác giao hưởng lớn như Giao hưởng số 40 của Mozart, Concerto cho piano, violon và cello của Beethoven, Giao hưởng số 2 của Brahms… Những tác phẩm này đòi hỏi một trình độ chuyên môn cao, đã được Dàn nhạc thể hiện một cách trọn vẹn và có sức thuyết phục.

Thông qua hoạt động của Dàn nhạc, nhiều giáo sư, nhà chỉ huy, nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước đã đến hợp tác biểu diễn như Stocker nghệ sĩ violoncelle (Thuỵ Sĩ), nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn; các nhà chỉ huy Hikotaro yazaki (Nhật Bản), Colins Metter (Anh), Xavier Rist (Pháp), Max Olding (Australia), Armun von Arnim (Đức).

Vào tháng 10-1997, Nhạc viện Hà Nội đã có vinh dự được đón nhận một giải thưởng quốc tế về văn hoá, đó là Giải thưởng âm nhạc Hoàng gia do Hội đồng nghệ thuật Nhật Bản trao tặng. Đây là sự thừa nhận có tính chất quốc tế đối với những cố gắng trong kế hoạch phát triển tiềm năng của các nghệ sĩ trẻ, là một sự hỗ trợ cụ thể cho những dự án trực tiếp có liên quan đến việc giáo dục và khuyến khích các tài năng âm nhạc, đặc biệt là dành cho việc phát triển dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Hà Nội nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo và biểu diễn. Để tiếp tục thực hiện chức năng là cây cầu hợp tác hữu nghị với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh sự phát triển nghệ thuật âm nhạc giao hưởng trong nước, đẩy nhanh quá trình tiếp cận và hội nhập với khu vực, thế giới, đồng thời cũng nhằm triển khai một cách hiệu quả giá trị vật chất của giải thưởng Hoàng gia Nhật (5 triệu yên), Nhạc viện Hà Nội đã mời nhà chỉ huy Nhật Bản nổi tiếng Hikotaro Yazaky sang làm việc, tiến hành chương trình hoà nhạc của Dàn nhạc trong chuyến lưu diễn vòng quanh đất nước vào tháng 4/1998 với những tiết mục đặc sắc.

Từ ngày chính thức được thành lập, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội không ngừng tự hoàn thiện và khẳng định mình, cố gắng có các hoạt động biểu diễn thường xuyên, góp phần đưa việc thưởng thức âm nhạc hàn lâm trở thành một thói quen, một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Và có lẽ phần thưởng cao quý nhất dành cho tập thể Dàn nhạc là sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng đối với công sức lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ qua những hình tượng âm nhạc cao đẹp mà họ thể hiện.

Vào cuối tháng 9 đầu tháng 10-1999, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đã thực hiện một chương trình biểu diễn tại Hà Nội và Tokyo với sự cộng tác của nhà chỉ huy Nhật Bản Hikotaro Yazaki và nghệ sĩ độc tấu violon Stephane Trần Ngọc. Đây là lần đầu tiên, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội, “đem chuông đi đấm nước người”. Tại liên hoan âm nhạc giao hưởng châu á diễn ra ở Nhật Bản, đã gây được tiếng vang lớn. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật giao hưởng Việt Nam, đem lại niềm tự tin và tự hào cho nền nghệ thuật âm nhạc cổ điển hàn lâm của Việt Nam trên diễn đàn âm nhạc thế giới và là nguồn động lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thể loại âm nhạc này ở Việt Nam bên thềm thế kỷ XXI. Việc dàn dựng và biểu diễn một tác phẩm tầm cỡ lớn, hoành tráng cả về nội dung tư tưởng và về nghệ thuật như bản Giao hưởng số 9 hướng tới niềm vui của Beethoven là một ước mơ mà giới âm nhạc Việt Nam hằng ấp ủ từ lâu. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Và bản giao hưởng đã được trình diễn trong hai đêm 24, 25-10, đó là sự kiện văn hóa đáng ghi nhớ.

Tại nhà hát vũ kịch Việt Nam cũng tồn tại một Dàn nhạc Giao hưởng. Kể từ ngày thành lập Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam (1984), dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch không được chú trọng phát triển nhiều. Cho đến nay với số biên chế nhạc công trên dưới 30 người chưa thể coi là hoàn chỉnh đối với một dàn nhạc giao hưởng. Vì vậy, mỗi lần có chương trình biểu diễn, Nhà hát phải trông cậy nhiều vào các lực lượng cộng tác viên thuộc các đơn vị khác. Dàn nhạc chủ yếu được sử dụng để đảm nhiệm phần âm nhạc của các vở ballet, opéra, operette và đã diễn tấu thành công trong vở Cuộc sống Paris của Offenbach, Viên đạn thần (Freischutz) của Weber, Orfée của Gluck, Huyền thoại mẹ của Nguyễn Văn Nam… Mặc dù vậy Dàn nhạc cũng xây dựng những chương trình hoà nhạc giao hưởng độc lập với các chỉ huy trong và ngoài nước, góp phần tạo nên không gian âm nhạc hàn lâm được mở rộng trong đời sống âm nhạc đất nước.

                                                                             N.H.L

 * Giảng viên khoa dây, Nhạc viện Hà Nội